Giáo án Lịch Sử 6 (Chân Trời Sáng Tạo) - Bài 10: Hy Lạp cổ đại

docx 10 trang phuong 05/12/2023 710
Bạn đang xem tài liệu "Giáo án Lịch Sử 6 (Chân Trời Sáng Tạo) - Bài 10: Hy Lạp cổ đại", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Giáo án Lịch Sử 6 (Chân Trời Sáng Tạo) - Bài 10: Hy Lạp cổ đại

Giáo án Lịch Sử 6 (Chân Trời Sáng Tạo) - Bài 10: Hy Lạp cổ đại
Ngày soạn://
Ngày dạy://
BÀI 10: HY LẠP CỔ ĐẠI
 (2 tiết)
I. MỤC TIÊU
1. Mức độ, yêu cầu cần đạt
Thông qua bài học, HS nắm được: 
-	Điều kiện tự nhiên của Hy Lạp cổ đại.
-	Nhà nước Hy Lạp cổ đại.
-	Những thành tựu văn hoá tiêu biểu của Hy Lạp thời kì này.
2. Năng lực
-	Năng lực chung: 
·	Năng lực giao tiếp, hợp tác: Trao đổi, thảo luận để thực hiện các nhiệm vụ học tập.
·	Năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo: Sử dụng các kiến thức đã học ứng dụng vào thực tế, tìm tòi, phát hiện giải quyết các nhiệm vụ trong cuộc sống.
-	Năng lực riêng: 
·	Giải thích được những tác động của điều kiện tự nhiên đến sự phát triển của Hy Lạp cổ đại.
·	Trình bày được những đặc trưng nổi bật của tổ chức nhà nước thành bang ở Hy Lạp cổ đại (tiêu biểu là nhà nước Athens).
·	Kể tên được các nhân vật nổi tiếng; Nêu được những thành tựu tiêu biểu của văn hoá Hy Lạp cổ đại còn ảnh hưởng đến thế giới ngày nay.
3. Phẩm chất
Có thái độ trân trọng và đánh giá đúng đắn những cống hiến mang tính tiên phong của người Hy Lạp đối với thế giới.
II. THIẾT BỊ DẠY HỌC VÀ HỌC LIỆU
1. Đối với giáo viên
-	Giáo án, SGV, SHS Lịch sử và Địa lí 6.
-	Lược đồ Hy Lạp cổ đại phóng to.
-	Một số hình ảnh về thành tựu tiêu biểu của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. 
-	Máy tính, máy chiếu (nếu có).
2. Đối với học sinh
-	SHS Lịch sử và Địa lí 6. 
-	Tranh ảnh, tư liệu sưu tầm liên quan đến bài học (nếu có) và dụng cụ học tập theo yêu cầu của GV.
III. TIẾN TRÌNH DẠY HỌC
A. HOẠT ĐỘNG KHỞI ĐỘNG
a. Mục tiêu: Tạo tâm thế hứng thú cho học sinh và từng bước làm quen bài học.
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề, HS trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: HS lắng nghe và tiếp thu kiến thức.
d. Tổ chức thực hiện: 
- GV trình chiếu cho HS quan sát hình ảnh và yêu cầu trả lời câu hỏi: Em đã từng nhìn thấy công trình này ở đâu chưa? Theo em công trình này nằm ở quốc gia nào?
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, trả lời câu hỏi (HS có thể biết hoặc không biết câu trả lời. GV khuyến khích HS trả lời, phát biểu): Công trình này có thể được giới thiệu trên ti vi, trên Internet, trên các chương trình quảng bá về du lịch thế giới. Công trình này ở Hy Lạp cổ đại.
- GV đặt vấn đề: Ngôi đền Pác-tê-nông đứng sừng sững trên thành cổ Ác-rô-pô-lit ở A-ten (Hy Lạp cổ đại) được coi là biểu tượng của nền dân chủ A-ten và cái nôi của nền văn minh phương Tây. Hy Lạp nhỏ bé, với diện tích chỉ hơn 130.000 km2, nhưng ít ai có thể ngờ rằng, nơi đây đã từng tồn tại một nền văn minh cổ đại phát triển rất rực rỡ gắn liền với tên tuổi các vĩ nhân mà nhiều thành tựu của họ vẫn còn ảnh hưởng đến thế giới của chúng ta hiện nay. Những nhân tố nào đã đem lại vinh quang cho người Hy Lạp? Chúng ta sẽ cùng nhau đồng hành để khám phá điều kì diệu đó trong bài học ngày hôm nay - Bài 10: Hy Lạp cổ đại. 
B. HOẠT ĐỘNG HÌNH THÀNH KIẾN THỨC
Hoạt động 1: Điều kiện tự nhiên
a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS biết được điều kiện tự nhiên của Hy Lạp cổ đại; những thuận lợi mà điều kiện tự nhiên mà điều kiện tự nhiện đã mang lại cho cư dân nơi đây. 
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SHS, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.
c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo cặp và trả lời câu hỏi. 
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS
DỰ KIẾN SẢN PHẨM
Bước 1: GV chuyển giao NV học tập
- GV yêu cầu HS đọc thông tin mục I và quan sát Lược đồ 9.2 SHS trang 53,54 trả lời câu hỏi: 
+ Em hãy nêu điều kiện tự nhiên nổi bật của Hy Lạp cổ đại. 
+ Điều kiện tự nhiên tác động như thế nào đối với sự phát triển của Hy Lạp? 
+ Kết hợp đọc mục Em có biết SHS trang 54, em hãy nêu vai trò của vùng biển Pi-rê đối với sự phát triển của kinh tế Hy Lạp.
- GV mở rộng kiến thức:
+ Hy Lạp cổ đại rộng lớn hơn Hy Lạp ngày nay. 
+ Về giá trị kinh tế và văn hoá của cây ô liu: Ô liu là cây trồng phổ biến nhất ở Hy Lạp. Dầu ô liu để chế biến thức ăn, làm đẹp. Cành lá ô liu tượng trưng cho vinh quang, chiến thắng và hoà bình. Các cây ô liu cổ thụ mọc hoang được coi là linh thiêng và luật ở Athens cổ đại quy định: kẻ nào dám đốn một cây ô liu mọc hoang sẽ bị xử tội chết (đến thế kỉ IV TCN giảm nhẹ thành lưu đày hoặc nộp phạt). Những vòng lá ô liu trao cho người chiến thắng trong các kì thi Olympia bắt buộc phải lấy từ các cây cổ thụ mọc hoang. Ngày nay, số lượng cây ô liu ở Hy Lạp rất lớn, bình quân 7 cây ô liu/một người dân. Hy Lạp là một trong các quốc gia xuất khẩu dầu ô liu hàng đâu thế giới.
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- GV hướng dẫn, HS đọc sgk và thực hiện yêu cầu. 
- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết. 
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- GV gọi HS trả lời câu hỏi. 
- GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung.
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập
GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới.
1. Điều kiện tự nhiên
- Điều kiện tự nhiên nổi bật của Hy Lạp cổ đại:
+ Địa hình: Hy Lạp chủ yếu nằm ở phía nam bán đảo Ban-căng, các đảo trong vùng biển Ê-giê và miền ven biển phía tây Tiểu Á. Địa hình bị chia cắt thành vùng đồng bằng nhỏ hẹp bởi các dãy núi thấp chạy đài ra biển, đất đai khô cằn. 
+ Đường bờ biển dài, có hàng nghìn hòn đảo nhỏ thuận tiện cho giao thương, buôn bán. Bờ biển phía đông khúc khuỷu, nhiều vũng vịnh kín gió, tạo nên các cảng tự nhiên. Pi-rê là cảng biển nổi tiếng nhất.
- Tác động của điều kiện tự nhiên đối với sự phát triển của kinh tế Hy Lạp:
+ Tác động đến cuộc sống: do khí hậu khô ráo, có nhiều ngày nắng trong năm, hầu hết các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hoá đều diễn ra ngoài trời.
- Tác động đến phát triển kinh tế: dân chúng sống chủ yếu ven bờ biển và phụ thuộc vào biển, phát triển mạnh các ngành kinh tế gắn với biển (thương mại, đánh bắt cá, nuôi trồng thuỷ, hải sản). Xây dựng các cảng biển, phát triển đóng tàu, thuyền, phát triển thương mại trên biển; phát triển các ngành thủ công nghiệp (làm gốm, chế tác đá; sản xuất đầu ô liu, chế biến rượu vang; không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.
- Vai trò của vùng biển Pi-rê đối với sự phát triển của kinh tế Hy Lạp: cảng Piraeus với vị trí nằm ở trung tâm Hy Lạp, đã trở thành trung tâm buôn bán, phát triển mạnh các ngành kinh tế hướng biển của khu vực Địa Trung Hải thời bấy giờ.
Hoạt động 2: Tổ chức nhà nước thành bang
a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS biết được Hy Lạp cổ đại bao gồm nhiều thành bang độc lập. Tiêu biểu nhất là hình thức nhà nước dân chủ ở A-ten.
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SHS, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.
c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo cặp và trả lời câu hỏi. 
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS
DỰ KIẾN SẢN PHẨM
Bước 1: GV chuyển giao NV học tập
- GV giới thiệu kiến thức: Hy Lạp cổ đại bao gồm nhiều thành bang độc lập. Tiêu biểu nhất là hình thức nhà nước dân chủ ở A-ten.
+ GV giải thích khái niệm thành bang: là những nhà nước nhỏ, có một thành thị là trung tâm, xung quanh là vùng đất trồng trọt. Trong mỗi thành bang có phố xá, lâu đài, đến thờ, sân vận động, nhà hát, bến cảng. Mỗi thành bang có bộ máy quyền lực riêng, luật pháp riêng và tài chính riêng.
- GV yêu cầu HS đọc thông tin mục II và cho biết cơ cấu tổ chức của nhà nước A-ten. 
- GV mở rộng kiến thức: khái niệm “dân chủ” ngày nay có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp và mang ý nghĩa Quyền lực thuộc về nhân dân.
- GV yêu cầu HS thảo luận theo cặp, quan sát Hình 10.3 kết hợp đọc mục Em có biết SHS trang 55 và trả lời câu hỏi: nền dân chủ của nhà nước A-ten được thể hiện như thế nào? 
+ GV hướng dẫn HS quan sát bức tranh, trả lời được các câu hỏi: Em thấy trong bức tranh có những nhân vật nào? Theo em, người đứng giữa bức tranh là ai? Ông ta đang làm gì? Những người khác gồm những ai? Họ đang làm gì? Xa xa sau đám đông là cái gì?
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- GV hướng dẫn, HS đọc sgk và thực hiện yêu cầu. 
- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết. 
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- GV gọi HS trả lời câu hỏi. 
- GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung.
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập
GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức, chuyển sang nội dung mới.
2. Tổ chức nhà nước thành bang
- Cơ cấu tổ chức của nhà nước A-ten: gồm 4 cơ quan chính: Đại hội nhân dân, Hội đồng 10 tướng lĩnh, Hội đồng 500 và Toà án 6.000 người.
- Nền dân chủ của nhà nước A-ten được thể hiện qua bức tranh: Pericles đang đứng trên bục diễn thuyết của cuộc họp Đại hội công dân. Nhiều công dân tham dự, có người đang nằm, đang ngồi, đang làm việc riêng (nói chuyện, uống rượu, nấu ăn,....). Nhiều người chăm chú nghe bài diễn thuyết của nhưng có những người phản đối (giơ tay đòi đuổi ông xuống), vị trí ông đứng trên quảng trường cũng không phải ở vị trí cao nhất. 
Hoạt động 3: Những thành tựu văn hóa tiêu biểu
a. Mục tiêu: Thông qua hoạt động, HS biết được một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của Hy Lạp cổ đại trên các lĩnh vực: chữ viết, văn học, toán học, sử học, kiến trúc điêu khắc. 
b. Nội dung: GV trình bày vấn đề; HS lắng nghe, đọc SHS, trả lời câu hỏi và tiếp thu kiến thức.
c. Sản phẩm học tập: HS làm việc cá nhân, thảo luận theo nhóm và trả lời câu hỏi. 
d. Tổ chức hoạt động:
HOẠT ĐỘNG CỦA GV - HS
DỰ KIẾN SẢN PHẨM
Bước 1: GV chuyển giao NV học tập
- GV chia HS thành các nhóm, mỗi nhóm tìm hiểu về một thành tựu văn hóa tiêu biểu dựa trên thông tin mục III SHS và quan sát các hình từ Hình 10.4 đến Hình 10.8. 
 - GV giới thiệu cho HS 1 số thành tựu văn hóa tiêu biểu của Hy Lạp còn được bảo tồn đến ngày nay:
+ Văn học và kịch Hy Lạp.
+ Toán học, vật lí, triết học, y học vẫn được dạy trong các nhà trường hiện nay (định lí tam giác đồng dạng của Thales; định lí tam giác vuông của Pythagore; đòn bẩy, định lí về sức đẩy của nước, của Archimedes,...).
+ Thế vận hội Olympia vẫn được tổ chức 4 năm một lần như người Hy Lạp từng tổ chức, mặc dù những môn thi đấu phong phú hơn. Ở Việt Nam, gần đây các cuộc thi chạy Marathon đã trở nên phong phú. 
Bước 2: HS thực hiện nhiệm vụ học tập
- GV hướng dẫn, HS đọc sgk và thực hiện yêu cầu. 
- GV theo dõi, hỗ trợ HS nếu cần thiết. 
Bước 3: Báo cáo kết quả hoạt động và thảo luận
- GV gọi HS trả lời câu hỏi. 
- GV gọi HS khác nhận xét, bổ sung.
Bước 4: Đánh giá kết quả, thực hiện nhiệm vụ học tập
GV đánh giá, nhận xét, chuẩn kiến thức.
3. Những thành tựu văn hóa tiêu biểu
- Một số thành tựu văn hóa tiêu biểu của Hi Lạp cổ đại:
+ Chữ viết: sáng tạo ra hệ thống chữ viết gồm 24 chữ cái.
+ Văn học: 2 bộ sử thi nổi tiếng là I-li-át và Ô-đi-xê được lưu lại cho đời sau.
+ Khoa học: Về toán học có Tailét, Pi-ta-go, Ơ-clít, Ác-si-mét; về sử học có Hê-rô-đốt, Tuy- xi-dít; về triết học có Xô-crát, Pla-tông (Platon), A-ri-xtốt.
+ Kiến trúc điêu khắc: đền Pác-tê-nông, đền A-tê-na, nhà hát Đi-ô-n-xốt của A-ten; hay những tác phẩm về điêu khắc như tượng thần Dớt, tượng nữ thần A-tê-na, tượng Vệ nữ thành Mi-lô.
C. HOẠT ĐỘNG LUYỆN TẬP
a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi lý thuyết . 
b. Nội dung: HS sử dụng SHS, kiến thức đã học, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi 2 phần Luyện tập SHS trang 57: Theo ước tính, vào thế kỉ V TCN, ở thành bang A-ten có khoảng 400 000 dân, trong đó đàn ông tự do có quyền công dân chỉ khoảng 30 000 người. Em hãy tính xem có bao nhiêu % dân số có quyên công dân trong nhà nước dân chủ A-ten?
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời: Khoảng 7,5% dân số có quyền công dân trong nhà nước dân chủ A-ten.
- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.
D. HOẠT ĐỘNG VẬN DỤNG
a. Mục tiêu: Củng cố lại kiến thức đã học thông qua dạng câu hỏi thực hành. 
b. Nội dung: HS sử dụng SHS, kiến thức đã học, kiến thức và hiểu biết thực tế, GV hướng dẫn (nếu cần thiết) để trả lời câu hỏi.
c. Sản phẩm học tập: Câu trả lời của HS.
d. Tổ chức thực hiện:
- GV yêu cầu HS trả lời câu hỏi 3 phần Vận dụng SHS trang 57: Quan sát logo của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO), em hãy cho biết: Logô đó lấy ý tưởng từ công trình kiến trúc nổi tiếng nào của Hy Lạp cổ đại? 
- HS tiếp nhận nhiệm vụ, đưa ra câu trả lời: Logô của Tổ chức Văn hoá, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) lấy ý tưởng từ công trình kiến trúc nổi tiếng đền Pác-tê-nông của Hy Lạp cổ đại.
- GV nhận xét, chuẩn kiến thức.
IV. Kế hoạch đánh giá
Hình thức đánh giá
Phương pháp đánh giá
Công cụ đánh giá
Ghi chú
Đánh giá thường xuyên (GV đánh giá HS,
HS đánh giá HS)
- Vấn đáp.
- Kiểm tra viết, kiểm tra thực hành.
- Các loại câu hỏi vấn đáp.

File đính kèm:

  • docxgiao_an_lich_su_6_chan_troi_sang_tao_bai_10_hy_lap_co_dai.docx